TỐNG TIỀN LÀ GÌ? ĐE DOẠ, TỐNG TIỀN NGƯỜI KHÁC THÌ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

  1. Tống tiền là gì?

Tống tiền là hành vi đe dọa, dọa nạt, uy hiếp hoặc bằng bất kỳ một hình thức, thủ đoạn nào đó để tiết lộ thông tin nhạy cảm hoặc gây hại cho người khác nếu họ không đáp ứng việc cung cấp tiền hoặc tài sản cho người tống tiền.

Các hành vi đe dọa tống tiền thường gặp như:

– Đe dọa gửi, đăng những video, clip có liên quan đến người bị đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc tới những đơn vị, cá nhân có ảnh hưởng tới chính người bị đe dọa.

Ví dụ như sử dụng clip nóng, hình ảnh nhạy cảm của người bị đe dọa để bắt người đó phải làm một việc hoặc giao một khoản tiền, một tài sản…

– Đe dọa, uy hiếp sẽ sử dụng vũ lực (có thể là có vũ khí hoặc không có vũ khí) để tấn công người bị đe dọa gây đến phương hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị đe dọa

– Đe dọa, uy hiếp về tinh thần người khác nếu không sẽ thực hiện các việc gây thiệt hại về tài sản như là hủy hoại tài sản, hoặc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật/các hành vi vi phạm đạo đức, loan tin về đời tư hoặc làm lộ thông tin về công việc…của người bị đe dọa.

– Đe dọa gửi những thông tin bí mật, các bí quyết kinh doanh hay các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến người bị tống tiền đến các địa điểm nhằm gây bất lợi hoặc gây thiệt hại cho họ.

Và còn nhiều cách thức tống tiền khác, không những chiếm đoạt tiền của người khác mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân/tổ chức bị tống tiền

  1. Hành vi đe dọa tống tiền bị kết tội gì và xử phạt như thế nào?

Đe dọa tống tiền là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Hành vi này hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, cụ thể:

– Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người có hành vi tống tiền/đe dọa tống tiền sẽ bị kết tội Cưỡng đoạt tài sản và bị có thể bị xử phạt với mức án cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người tống tiền còn bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

  1. Xử lý khi bị tống tiền thế nào cho đúng quy định pháp luật?

Để bảo vệ quyền lợi khi bị tống tiền, đe dọa tống tiền, người bị đe dọa cần bình tĩnh trước tiên, và cẩn thận xử lý.

Sau đây mà cách xử lý khi bị tống tiền mà anh có thể tham khảo qua. Tùy thuộc từng trường hợp mà việc xử lý có thể lần lượt theo từng bước hoặc có sự kết hợp giữa các bước sau đây:

(1) Giữ bình tĩnh, cố gắng kéo dài thời gian để tìm kiếm/xác minh thông tin, lựa chọn phương án xử lý phù hợp

– Tùy thuộc từng trường hợp mà việc kéo dài thời gian có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau như hỏi các thông tin về video, hình ảnh, tài liệu,… được sử dụng làm công cụ, phương tiện đe dọa, tống tiền;

– Hỏi chi tiết về thời gian, địa điểm, số tài khoản nhận tiền, người nhận tiền và các thông tin khác liên quan đến việc giao nhận tiền/tài sản;

– Nếu được, hãy ghi âm cuộc gọi, chụp lại hình ảnh cuộc đối thoại với người đe dọa, miễn sao càng có nhiều thông tin liên quan đến việc bị đe dọa càng tốt;

(2) Xác minh các thông tin mà người đe dọa:

– Nếu người đe dọa cho bạn thời gian để xác minh các thông tin thì bạn cần phải xác minh lại các thông tin mà đối tượng này cung cấp là chính xác hay không;

– Nếu họ không cho thời gian để thực hiện chuyển tiền, tài sản thì bạn cần phải cố gắng kéo dài thời gian, đồng thời với việc hồi tưởng/nhớ lại các thông tin đó hoặc đề nghị được xem trước các thông tin mà đối tượng đang đe dọa, uy hiếp để xác nhận mức độ đúng sai, chính xác;

– Ngay khi có xác nhận mức độ đúng đắn của thông tin nhận được, bạn cân nhắc để lựa chọn phương án xử lý phù hợp nhất;

(3) Lựa chọn phương án xử lý phù hợp

Phương án 1: Trình báo tới cơ quan công an gần nhất nơi bạn đang sinh sống. Khi đi nên mang theo đầy đủ tài liệu, giấy tờ, bản ghi âm, ghi hình, bản ảnh… liên quan đến vụ việc cho cơ quan công an. Nếu như bạn đã chuyển khoản/chuyển tiền/chuyển tài sản cho người đe dọa thì nên lưu lại chứng cứ xác nhận đã chuyển tiền/tài sản để làm căn cứ xử lý.

Phương án 2: Liên hệ tới các cơ quan quản lý Nhà nước khác (ví dụ UBND xã/phường), các địa chỉ tiếp công dân của Nhà nước, các tổ chức hành nghề luật) để được hỗ trợ, hướng dẫn cách xử lý.

Phương án 3: Trao đổi với người nhà, người bạn tin tưởng hoặc người có chuyên môn. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng những người bạn hỏi ý kiến đều có kiến thức chuyên môn hoặc có kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến vụ việc của mình.

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phương án khởi kiện dân sự, đòi bồi thường thiệt hại nếu như không đủ điều kiện khởi tố người có hành vi tống tiền theo quy định của pháp luật hình sự.

Trong trường hợp cần Luật sư hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể thêm về các vấn đề pháp lý liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông tin sau:

Trụ sở chính: 914 Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP. HCM

CN Bình Tân: số 4.09 Block b1, Green Town, đường số 3, P. Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân, TP. HCM

CN Bình Dương: 61/33 Lê Văn Tách, P. An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương

Hotline: 0942.979.111

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *